Tin Tức

Các hình thức làm việc tại Nhật Bản
Sang Nhật làm việc nhưng không hiểu rõ hình thức làm việc ở Nhật là gì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của bản thân. Mỗi hình thức làm việc khác nhau sẽ có một quyền lợi nhất định mà những hình thức khác không có.
Trong bài biết ngày hôm nay, Fukuzawa sẽ giúp các bạn tìm hiểu sâu hơn về 3 hình thức:  正社員 (nhân viên chính thức), 契約社員 (nhân viên hợp đồng), 派遣社員 ( nhân viên phái cử).
  1. Nhân viên chính thức (正社員)
  • Định nghĩa: Nhân viên chính thức(正社員)là hình thức tuyển dụng trong đó người lao động và công ty tiếp nhận lao động ký kết hợp đồng lao động vô thời hạn (cho tới lúc nghỉ hưu) . Ngoại trừ khi mới vào lương được quy định trong hợp đồng, còn sau đó lương sẽ tăng dần theo số năm làm việc/ hoặc theo đánh giá kết quả làm việc của công ty trong mỗi kỳ tăng lương. Tùy vào năng lực, có thể được cất nhắc lên các chức vụ cao.
  • Nhân viên chính thức đảm bảo 3 yếu tố:
+ Ký hợp đồng vô thời hạn.
+ Làm việc toàn thời gian.
+ Tuyển dụng trực tiếp bởi công ty cần nhân sự (không thông qua một công ty/ tổ chức nào khác).
  • Ưu điểm:
Do là hợp đồng vô thời hạn, nên công việc có thể coi là ổn định, trừ các trường hợp suy thoái nặng toàn nền kinh tế, còn hầu như không phải lo bị mất việc.
    So với nhân viên hợp đồng và nhân viên phái cử, thì nhân viên chính thức cũng được hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi của công ty hơn, nên xét về dài hạn thì tổng thu nhập ổn định và cao hơn.
  Ngoài ra, do công việc ổn định và dài hạn, nên có thể tập trung để rèn luyện và bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho công việc.
  • Nhược điểm:
Yêu cầu trách nhiệm đối với nhân viên chính thức thường cao hơn so với nhân viên hợp đồng và nhân viên phái cử.
Có thể bị yêu cầu làm ngoài giờ, đi làm ngày nghỉ,..hoặc có thể bị điều chuyển sang bộ phận khác, địa phương khác mà khó phản đối. Ở nhiều công ty, nhân viên chính thức còn phải làm ngoài giờ mà không được nhận phụ cấp (サービス残業)
  1. Nhân viên hợp đồng (契約社員
  • Định nghĩa: Nhân viên hợp đồng (契約社員) là hình thức tuyển dụng trong đó người lao động và công ty tiếp nhận lao động ký kết hợp đồng lao động có thời hạn, thường từ 1- 3 năm. Sau khi hết thời hạn trên thì hợp đồng lao động cũng chấm dứt, và hai bên sẽ tiếp tục thỏa thuận để đi tới thống nhất xem có tiếp tục gia hạn hợp đồng không.
  • Ưu điểm:
Do trách nhiệm của công ty đối với nhân viên hợp đồng thường nhẹ nhàng hơn so với nhân viên chính thức, nên thường sẽ dễ được tuyển hơn so với các vị trí là nhân viên chính thức khác.
     Ngoài ra, do là hợp đồng có kì hạn và các điều kiện hợp đồng thường được thoả thuận lại vào thời điểm gia hạn, nên có thể dễ dàng thoả thuận lại với công ty những điều kiện làm việc tốt hơn mỗi lần ký lại hợp đồng. Về điểm này thì nhân viên chính thức thường “khó mặc cả” hơn.
  • Nhược điểm:
Do là hợp đồng có kỳ hạn, và có khả năng không được gia hạn, nên hình thức này kém ổn định hơn so với nhân viên chính thức.
Nếu đến thời điểm kết thúc hợp đồng, công ty tìm thấy người khác thích hợp hơn, hoặc cảm thấy bạn không cần thiết cho họ nữa, thì bạn có thể sẽ mất việc và phải đi tìm một công việc mới.
  1. Nhân viên phái cử (派遣社員)
  • Định nghĩa: Nhân viên phái cử là hình thức tuyển dụng mà trong đó người lao động không kí kết trực tiếp hợp đồng lao động với các công ty tiếp nhận lao động, mà kí hợp đồng với một công ty trung gian ở giữa, gọi là công ty phái cử. Sau đó, công ty này sẽ căn cứ vào nhu cầu nhân lực của các công ty khách hàng của họ để cử bạn tới làm việc theo từng dự án. Có những dự án có thể chỉ kéo dài 3-6 tháng, có những dự án có thể kéo dài 1-2 năm. Lương của nhân viên phái cử thường không ổn định mà thay đổi theo thời gian làm việc ở công ty khách hàng, và do không phải là nhân viên của công ty tiếp nhận lao động, nên thường sẽ không được hưởng các chế độ lương thưởng, phụ cấp theo công ty.
  • Ưu điểm:
Do tính chất công việc thay đổi liên tục theo dự án của công ty khách hàng, nên đối với những bạn mới đi làm, đây có thể là cơ hội lớn để được trải nghiệm nhiều môi trường làm việc khác nhau và học hỏi đa dạng kiến thức ở các dự án, công ty khác nhau.
    Ngoài ra, các công việc tuyển dụng dưới dạng nhân viên phái cử thường dễ tìm hơn so với nhân viên chính thức hay hợp đồng, đặc biệt là trong ngành IT, cơ khí,..
  • Nhược điểm:
Công việc bấp bênh và thường xuyên thay đổi có lẽ là nhược điểm lớn nhất của hình thức tuyển dụng này. Bạn có thể bị thay đổi chỗ làm, thậm chí từ tỉnh này sang tỉnh khác mỗi khi kết thúc dự án. Vì vậy, đối với những gia đình có con nhỏ thì đây không phải là một lựa chọn lý tưởng.
Có thể bị công ty khách hàng hủy hợp đồng trước thời hạn nếu không đáp ứng đủ yêu cầu.
Phần lớn mọi người đều hướng đến tìm việc nhân viên chính thức, và ngày trước thì phần lớn tuyển dụng cũng là cho vị trí nhân viên chính thức. Ngày nay thì thị trường lao động phong phú hơn, quan niệm của các công ty và cả người lao động cũng cởi mở hơn, và luật lao động cũng được thay đổi theo hướng bảo vệ người lao động hơn, nên thị trường nhân viên phái cử và nhân viên hợp đồng ngày càng nhộn nhịp.  Nhưng khi xin việc thì không phải cứ thích là được, nó còn là cái duyên, và năng lực của mình.
Fukuzawa hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có mong muốn sang Nhật làm việc sẽ chọn cho mình được công việc phù hợp nhất với bản thân mình.
Chúc các bạn thành công!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Quy tắc Hou – Ren – Sou trong làm việc nhóm

Thủ tục lấy thẻ Juminhyou nhanh nhất

Bảo hiểm cho người lao động tại Nhật